• gggg_67af9c1ebb
  • 7_fc19a8f14e
  • TANUYEN2_94f320dc9a
  • TAU2_0e1f9c8391
  • 5_a2ca8e4da3
  • 4_1572ca87ff
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019

(laichau.gov.vn) Ngày 04/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 6 trực tuyến với 63 địa phương trong cả nước dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ...

Tại điểm cầu tỉnh Lai Châu, các đồng chí Vũ Văn Hoàn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Tiến Dũng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh và khó lường, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 và ngay đầu quý II, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01/4/2019 về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn hệ thống từ trung ương đến địa phương, người dân và doanh nghiệp...

Theo đó, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm và tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực, 6 tháng đầu năm đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm 2011-2017. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng bình quân 6 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đối với ngành chăn nuôi, dịch tả lợn Châu Phi đã lan ra 60 tỉnh, thành phố trong cả nước, trồng trọt bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cháy rừng đã xảy ra ở Miền Trung do thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, do ngành thủy sản tăng trưởng khá, ước đạt 6,45% nên tốc độ tăng GDP toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,39%.

Kinh tế vĩ mô duy trì ổn địnhlạm phát trong tầm kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,64% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,29%). Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước. Theo số liệu mới cập nhật, xuất khẩu hàng hóa 6 tháng ước đạt 122,4 tỷ USD, tăng 7,1%, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 120,8 tỷ USD, tăng 8,8%, cân đối thương mại xuất siêu 1,6 tỷ USD.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống Nhân dân tiếp tục được bảo đảm; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thông tin và truyền thông; bảo vệ môi trường, chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu được tăng cường. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả tích cực. An ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định.

Bên cạnh những kết quả tích cực, kinh tế Việt Nam những quý tiếp theo dự kiến đối mặt với nhiều yếu tố bất định hơn từ môi trường kinh tế thế giới, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đến tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và nguy cơ lẩn tránh xuất xứ hàng hóa của một số nước vào Việt Nam; trong nước kinh tế nước ta cũng đối mặt không ít khó khăn, thách thức với thời tiết diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng; ngành chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi ngày càng lây lan trên diện rộng; một số ngành vốn tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch… không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng như giai đoạn trước; tăng trưởng chậm lại của một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp...

Tại Hội nghị này, các đại biểu nghe và thảo luận các nội dung gồm: Báo cáo tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2019; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm nay. Đồng chí nhấn mạnh: Quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước những khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới, sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019 của cả nước, của từng bộ ngành, của từng địa phương góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.

Nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành địa phương từ nay đến hết năm 2019 cần tập trung ngăn chặn đẩy lùi bệnh dịch tả lợn Châu Phi; đẩy mạnh xuất khẩu; làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, kiên quyết xử lý nghiêm đối tượng gây cháy rừng; tập trung phát triển mạnh du lịch; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư trong nước, nước ngoài đầu tư cho mọi vùng miền của Tổ quốc; thu hút các nhà đầu tư vào Việt Nam; chú trọng vào các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và Chính phủ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, áp dụng đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém; rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết; Bộ Kế hoạch đầu tư sớm ban hành kế hoạch quy hoạch; các địa phương phải có kế hoạch thu hút đầu tư, đồng bộ phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường; các bộ ngành, địa phương phải có giải pháp quyết liệt ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Đối với các địa phương cần lưu ý thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cán bộ, công chức, viên chức cần nâng cao trách nhiệm với Nhân dân…

Đăng Khoa


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 721
Hôm qua : 1.070