• gggg_67af9c1ebb
  • 7_fc19a8f14e
  • TANUYEN2_94f320dc9a
  • TAU2_0e1f9c8391
  • 5_a2ca8e4da3
  • 4_1572ca87ff
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Uyên 

Tân Uyên là huyện vùng cao của tỉnh Lai Châu, những năm qua, huyện luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thông qua đó thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền và người dân, đời sống của đồng bào ngày càng được nâng cao. Nhất là ở các bản vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến nay các bản làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Tân Uyên đang khoác trên mình một diện mạo mới, diện mạo của sự ấm no, hạnh phúc.


    
Ảnh: Tân Uyên hôm nay
   

 Huyện Tân Uyên có tổng diện tích tự nhiên 89.708,3 ha, nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Lai Châu. Huyện có 10 đơn vị hành chính (09 xã, 01 thị trấn), với trên 61.000 nhân khẩu; trong đó, người dân tộc thiểu số là trên 51.000 nhân khẩu, chiếm 84,5%. Trong đó Dân tộc Thái chiếm: 46,5%, Mông: 19,8%, Khơ Mú: 8,2%, Dao: 4,3%, Lào: 4,1%, Giáy: 1,1%, Tày: 0,2%, còn lại các dân tộc khác chiếm 0,3%. Thực hiện Quyết tâm thư tại Đại hội DTTS huyện Tân Uyên lần thứ  lần thứ III, năm 2019 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong 05 năm (2019 - 2024), huyện Tân Uyên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, chính sách vùng đồng bào DTTS. Đồng chí Lò Văn Biên - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Các cấp ủy đảng đã chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các chương trình, chính sách đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó trọng tâm chỉ đạo, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; kết hợp với phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng bào DTTS, cũng như Nhân dân trên địa bàn huyện Tân Uyên đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. 
 

Ảnh: Lãnh đạo tỉnh, huyện thăm động viên đồng bào người Mông tại xã Hố Mít
    

05 năm qua thực hiện nhiều chính sách dân tộc, huyện Tân Uyên đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi như: Chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động nông thôn qua đó đã giúp Nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
    Điểm nổi bật là nhận thức, tiếp thu kiến thức khoa học của đồng bào DTTS được nâng lên, phong tục tập quán trong sinh hoạt được thay đổi. Nhiều hộ dân đã di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi gầm sàn, mở rộng quy mô phát triển kinh tế, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo vệ môi trường. Tân Uyên hôm nay, khắp các bản làng đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm ăn mới của đồng bào DTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ nâng cao thu nhập cho người dân mà còn đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Gia đình ông Chảo Trồng Pù, dân tộc Dao ở bản Liên Hợp, xã Pắc Ta. Nhờ có chính sách hỗ trợ của Đảng, nhà nước với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương cùng với tinh thần nỗ lực, ham học hỏi, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Gia đình ông đã thử nghiệm mô hình trồng Bí xanh với diện tích 800m2 và 2.000m2 Bí đỏ và các loại cây rau màu khác, không những vậy gia đình ông còn đầu tư chăn nuôi lợn, gia cầm và đào ao thả cá, trồng 1,7 ha chè. Từ việc làm ăn hiệu quả, từng bước có tích lũy được vốn, gia đình ông đã mua được ô tô chở hàng để làm phương tiện thu mua sản phẩm búp chè tươi của Nhân dân trong bản. Từ sản xuất nông nghiệp, thu mua chè, kinh doanh vận tải, hằng năm gia đình ông cho thu nhập trên 230 triệu đồng.
    

Ảnh: mô hình Chè của gia đình ông Chảo Trồng Pù, dân tộc Dao ở bản Liên Hợp, xã Pắc Ta
    

Những năm qua, huyện Tân Uyên đã triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như: Giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó, trình độ sản xuất, canh tác của người dân được nâng lên rõ rệt, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện miền núi. Một số địa phương xây dựng các mô hình thí điểm trong trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả và được nhân rộng.
    Trong 05 năm qua Đảng, nhà nước đã luôn dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, Nhờ đó, kết cấu hạ tầng có bước phát triển, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của địa phương, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương trên địa bàn huyện. Đến nay huyện có 10/10 xã, thị trấn có đường nối với trung tâm huyện đạt tiêu chuẩn giao thông nông thôn loại A, có 89/93 bản, tổ dân phố đã có đường ô tô, xe máy đi lại thuận lợi, trong đó có 450,84 km/583,27 km đường huyện quản lý được cứng hóa đạt 77,30%; tỷ lệ đường liên bản, nội bản, nội thị được cứng hóa tiếp tục duy trì đạt 93,07%.
 

Ảnh: Người Mông xã Nậm Sỏ làm đất tòng chè
    

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều kết quả rõ nét, huyện duy trì và nâng cao các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới tại 09/09 xã. Song song với đó huyện tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM. Xây dựng xã, bản NTM nâng cao gắn với phát triển du lịch. Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025: Về tiêu chí huyện nông thôn mới, huyện cơ bản đạt 03/05 nội dung tiêu chí huyện nông thôn mới, đạt 29/36 tiêu chí thành phần huyện nông thôn mới; xã nông thôn mới, bình quân đạt 10,67 tiêu chí/xã. Diện mạo các bản làng vùng cao của huyện Tân Uyên đã có sự bứt phát trên mọi lĩnh vực, điều kiện sinh hoạt của người dân từng bước được cải thiện, đời sống vật chất tinh thần không ngừng được nâng cao. 
    Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ cơ sở được trú trọng. Số lượng cán bộ người DTTS tham gia công tác ở các ngành, lĩnh vực và ở cơ sở ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng. Đến nay, cán bộ người DTTS toàn huyện chiếm 33,78%. Hằng năm, huyện quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ công khai, minh bạch việc tuyển dụng công chức, viên chức, quan tâm trọng dụng cán bộ người DTTS, nhất là người tại địa phương. Thực hiện tốt công tác lựa chọn, xét chuyển công chức cấp xã là người DTTS thành công chức cấp huyện. Chỉ đạo rà soát, lựa chọn sinh viên người DTTS trên địa bàn huyện được tỉnh cử đi học hệ cử tuyển theo chuyên ngành đào tạo để đề nghị tiếp nhận, thi tuyển, bố trí công tác theo vị trí việc làm; tạo điều kiện cho cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý nhà nước, kỹ năng lãnh đạo… Rà soát vị trí việc làm, biên chế, số lượng, thành phần cán bộ, công chức là người DTTS; bố trí, điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, đảm bảo cơ cấu cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo là người DTTS, trong đó quan tâm rà soát cán bộ người DTTS từ cấp huyện đến cấp xã để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2025 - 2030. Cụ thể: 30 lượt cán bộ là người DTTS được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và quy hoạch Ban Thường vụ Huyện ủy, 05 đồng chí quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp huyện; 55 lượt cán bộ là người DTTS được quy hoạch chức danh Trưởng, Phó phòng ban và tương đương; 190 lượt cán bộ quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã. Cùng với quy hoạch chức danh lãnh đạo quản lý, Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị đối với từng đồng chí; kiện toàn, bố trí các đồng chí được quy hoạch giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các phòng, ban và các xã, thị trấn.
    Công tác bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa đồng bào DTTS được chú trọng. Người dân trên địa bàn tích cực gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương; thành lập các Câu lạc bộ bảo tồn và gìn giữ, truyền dạy kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc.
 

Ảnh: Phục dựng nghề dệt của Người Lào tại xã Mường Khoa
    

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện. Trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện đã triển khai, thực hiện. Các hoạt động giảm nghèo kịp thời, đầy đủ, tập trung đầu tư, hỗ trợ cho đối tượng được tiếp cận các chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Chính sách vay vốn cho hộ nghèo và hộ thoát nghèo, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, tăng thu nhập và vươn lên làm giàu. Hiệu quả từ chương trình góp phần thay đổi bộ mặt, đời sống của người dân giúp cho người dân có điều kiện thuận lợi để tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản, các dự án thành phần của các chương trình được triển khai góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. 
    Một trong những Chương trình đã và mang lại hiệu quả thấy rõ đối với đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa huyện Tân Uyên đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đến nay, đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào ôn định và từng bước cải thiện, kết cấu hạ tầng được tăng cường, lĩnh vực giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tiếp tục được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Trên cơ sở nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện Tân Uyên đã triển khai thực hiện 09/10 dự án của Chương trình. Trong đó tập trung hỗ trợ, tạo kế sinh kế để người dân chủ động vươn lên. Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Tân Uyên đã chuyển đổi nghề cho 37 hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất sản xuất. Đồng thời quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết ra khỏi vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai với 51 hộ/305 khẩu với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện, khí hậu, đất đai, huyện cũng đã phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa, theo chuỗi giá trị hỗ trợ cho 50 hộ nghèo, cận nghèo. Để giúp người dân, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN cùng với những chính sách của Trung ương, tỉnh và huyện đã đầu tư, duy tu bảo dưỡng cơ sở hạ tầng, trường lớp học vùng đặc biệt khó khăn. Đầu tư xây mới 03 trường học, hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, mở 37 lớp xóa mù chữ cho trên 1.000 học viên vùng đồng bào DTTS; tổ chức 38 buổi tuyên truyền, tư vấn lao động, việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số; lồng ghép hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.060 lao động nông thôn. Đầu tư xây dựng 04 nhà văn hóa bản, mua sắm hỗ trợ hoạt động của 13 đội văn nghệ bản. Thành lập 19 Tổ truyền thông cộng đồng; 15 lớp giáo dục truyền thông xóa bỏ định kiến giới, khuân mẫu giới tại 15 bản đặc biệt khó khăn. Tổ chức tuyên truyền tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho trên 1.000 đối tượng tham gia. Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần làm thay đổi căn bản, diện mạo cho vùng đồng bào các dân tộc và miền núi. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, nước sinh hoạt, các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân tiếp tục được huyện triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cấp ủy chính quyền các cấp, đã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng và đạt được những kết qủa tích cực. Chương trình xây dựng NTM đã được các cấp, ngành đặc biệt coi trọng, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Nhận thực của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày được nâng lên, từng bước xác định rõ hơn vai trò chủ thể của người dân, vì lợi ích của dân, khuyến khích, động viên Nhân dân, doanh nghiệp tham gia hiến đất, đóng góp ngày công lao động trong quá trình thực hiện. Cơ sở hạ tầng tiếp tục được quan tâm đầu tư nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, công tác phát triển sản xuất tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập gắn với  xóa đói giảm nghèo được quan tâm. Đến nay, trên địa bàn huyện có 18 sản phẩm phẩm OCOP 3 sao, 01 sản phẩm OCOP 4 sao. Công tác giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư được đẩy mạnh, nhờ đó bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
    Đồng chí Lò Văn Biên - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Song song với thực hiện các chính sách dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện Tân Uyên luôn quan tâm chú trọng việc xây dựng hệ thống chính trị và quốc phòng an ninh vùng đồng bào dân tộc miền núi. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng ngày càng được nâng cao, công tác phát triển Đảng viên và chất lượng hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng có nhiều chuyển biến. 
    Với phương châm gần dân, sát cơ sở, huyện Tân Uyên luôn quan tâm làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chuyển biến tích cực, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý kịp thời các vụ việc phức tạp ngay tại cơ sở, không để thành điểm nóng, không để các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” chia rẽ dân tộc. Công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm đảm bảo kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện ổn định.
    Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai các chính sách dân tộc, các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, cùng ý chí, tinh thần vượt khó và khát vọng vươn lên của đồng bào các DTTS huyện Tân Uyên, sẽ là động lực để huyện Tân Uyên tiếp tục có những bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cho bà con vùng đồng bào DTTS; tạo cơ sở vững chắc để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Tân Uyên phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng huyện Tân Uyên ngày càng phát triển. 
 


Tác giả: Nguyễn Thường
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 511
Hôm qua : 743