Kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy
Ngày 12/10/2024, Huyện ủy Tân Uyên đã tổ chức Kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/HU, ngày 16/10/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy tại xã Nậm Cần. Đoàn đi có đồng chí Bùi Huy Phương - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Lò Văn Học- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Lê Thanh Huy- Phó Chủ tịch UBND huyện; đại biểu lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện; đại biểu lãnh đạo các xã Nậm Cần, Pắc Ta, Thân Thuộc, Nậm Sỏ, Tà Mít, Trung Đồng và thị trấn Tân Uyên.
Ảnh: Đoàn công tác kiểm tra thực địa
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/HU, ngày 16/10/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy và tình hình thả rông gia súc trên địa bàn bản Nà Phát, xã Nậm Cần. Kiểm tra tình hình thực hiện dự án phát triển nông lâm nghiệp và dược liệu POBIC tại huyện Tân Uyên của Công ty Cổ phần nông lâm POBIC.
Theo báo cáo, hiện nay tổng đàn gia súc của bản Nà Phát là 440 con, trong đó trâu 392 con, bò 16 con, ngựa 7 con, dê 25 con. Nhân dân chủ yếu thả giông theo tập quán cũ, chưa chú trọng chăn nuôi có kiểm soát gia súc; vùng giáp danh bản còn có lượng lớn trâu, bò của các xã Phúc Khoa, Trung Đồng, Thân Thuộc, thị trấn Tân Uyên, Pắc Ta, Tà Mít, Nậm Sỏ thả giông tại khu vực bản Nà Phát. Từ năm 2022 đên nay, Đảng ủy đã chỉ đạo thực hiện được 30 buổi tuyên truyền thực hiện công tác quản lý chăn thả đàn gia súc, không thả rông gia súc phá hoại rừng trồng và các loại cây cối, hoa màu khác. Chỉ đạo UBND xã thành lập tổ bắt gia súc phá hoại rừng trồng và cây hoa màu, đã thực hiện được 10 đợt, bắt giữ được 15 con trâu, giao cho bản phạt theo quy ước được 05 triệu đồng. Sau các đợt cao điểm thực hiện công tác tuyên truyền, bắt giữ, số lượng trâu bò thực hiện thả rông vào các dự án trồng rừng đã giảm đáng kể, 90% số hộ dân của bản Nà Phát đã đưa trâu bò ra khỏi khu vực thực hiện dự án trồng rừng của Công ty Nông lâm Fobic. Ngoài ra, trong các vùng dự án thực hiện trồng rừng trên địa bàn hiện nay còn rất nhiều trâu, bò của các xã, thị trấn như: xã Trung Đồng còn khoảng 130 con; thị trấn khoảng 200 con; xã Phúc Khoa khoảng hơn 100 con; xã Nậm Sỏ khoảng 200 con, Pắc Ta 150 con. Khu vực thả rông tập trung tại dự án trồng rừng gỗ lớn của Công ty Fobic, vùng trồng rừng gỗ lớn theo dự án hỗ trợ của huyện tại khe Nậm Sắt và dự án trồng cây Mắc Ca của Công ty Liên Việt và các khu vực trồng Quế của người dân trên địa bàn xã.
Ảnh: Đoàn làm việc với Công ty POBIC và các xã, thị trấn
Tại buổi làm việc, các đồng chí thành viên trong đoàn kiểm tra, đại diện các xã, thị trấn đã tham gia các ý kiến, kiến nghị, chỉ ra những tồn tại hạn chế trong công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai Chỉ thị số 10 của BTV Huyện ủy đó là: Chất lượng quán triệt triển khai Chỉ thị của một số chi bộ còn hạn chế, chủ yếu là lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ; công tác phối kết hợp giữa chính quyền và MTTQ và các đoàn thể có thời điểm chưa thật sự phát huy hiệu quả. Do phong tục tập quán và thói quen từ nhiều đời nay, tuy đã đưa vào quy ước, hương ước của bản nhưng xóa bỏ hoàn toàn trong một thời gian ngắn là rất khó thực hiện; việc xử lý vi phạm theo quy ước, hương ước bản còn hạn chế, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả.
Ảnh: Đ/c Bùi Huy Phương- Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện kết luận tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận tại buổi kiểm tra, đồng chí Bùi Huy Phương- Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đề nghị: Các xã, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền người dân chăn nuôi gia súc theo hướng trang trại, gia trại; tập trung trồng rừng, trồng chè để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập gia đình; các cơ quan huyên môn huyện xây dựng nội dung tuyên truyền xóa bỏ các thủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân; xây dựng phóng sự với nội dung tuyên truyền nhân dân trong việc cấm thảm rông gia súc; ký cam kết các hộ dân về đảm bảo chăn nuôi gia súc theo đúng quy định; các xã, thị trấn phối hợp trong việc tuyên truyền sản xuất chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân; Công ty POBIC bố trí lực lượng bảo vệ đảm bảo diện tích rừng đã trồng, tránh gia súc phá hoại; tạo điều kiện công ăn việc làm cho người dân địa phương, ổn định cuộc sống cho người dân./.