• gggg_67af9c1ebb
  • 7_fc19a8f14e
  • TANUYEN2_94f320dc9a
  • TAU2_0e1f9c8391
  • 5_a2ca8e4da3
  • 4_1572ca87ff
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo tồn Nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào xã Mường Khoa

 Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, sự biến đổi kinh tế kéo theo những biến đổi về văn hóa và lối sống, nếp sống... Trong đó, biến đổi về văn hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Xu hướng hòa đồng về lối sống, đặc biệt là về trang phục ngày càng tăng. Các nét đẹp trong phong tục, tập quán, trang phục, âm nhạc... của đồng bào các dân tộc nói chung và đồng bào dân tộc Lào xã Mường Khoa nói riêng đang dần có nguy cơ mai một theo xu thế hiện đại hóa. Chính vì vậy thời gian qua huyện Tân Uyên đã và đang dành nhiều nguồn lực cho việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của các dân tộc trên địa bàn trong đó có việc bảo tồn và gìn giữ những nét văn hóa của dân tộc Lào.


      
Ảnh: Khai giảng lớp truyền đạt kỹ thuật tạo hình trang phục dân tộc Lào
    

Trên địa bàn huyện Tân Uyên, đồng bào người dân tộc Lào sinh sống tập chung chủ yếu tại xã Mường Khoa (các bản: Hào Nghè, Phiêng Tâm, Nậm Cung, Nậm So). Trước xu thế hội nhập và giao thoa văn hóa, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tại các bản, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều có chợ phiên và các cửa hàng bán quần áo đa dạng phong phú; cùng đó là sự phát triển của công nghệ số, có nhiều trang thương mại điện tử và kênh mua sắm qua mạng xã hội, nhiều sản phẩm quần áo may sẵn có mẫu mã, hình thức đẹp và giá thành rẻ hơn nhiều so với trang phục truyền thống của các dân tộc, trong đó có dân tộc Lào. Nhiều dân tộc đã không lưu giữ được trang phục truyền thống của dân tộc mình. Hầu hết ở các gia đình người Lào hiện nay, trang phục của cả gia đình vẫn do người phụ nữ làm. Từ việc thu bông, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm và thêu hoa văn cũng hoàn toàn thủ công từ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ để tạo nên những bộ trang phục truyền thống. Mỗi ngày, vào những thời điểm nông nhàn khi đã xong hết mọi công việc khác trong nhà, những người phụ nữ dành ra hàng giờ đồng hồ để ngồi se sợi, dệt vải và thêu thùa, để làm được một bộ trang phục của phụ nữ Lào cũng cần đến 2 tháng mới xong. Đồng chí Trần Khúc Dương - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện chia sẻ: Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng của sự giao thoa văn hóa và hội nhập về kinh tế, không chỉ dân tộc Lào, mà ở nhiều bản làng vùng cao đồng bào DTTS sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình trong sinh hoạt hàng ngày rất ít. Trước bối cảnh đó, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, phòng Văn hóa và Thông tin đã phối hợp với xã Mường Khoa mở lớp truyền dạy kỹ năng tạo hình, dệt và may trang phục cho thế hệ trẻ, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
    

Ảnh: Nghệ nhân bản Hào Nghè đang truyền đạt cho học viên nghề dệt
    

Trang phục của dân tộc Lào khá độc đáo. Đàn ông mặc quần dài, áo màu đen, cổ tròn, cài khuy bạc, có hai túi trước bụng. Phụ nữ Lào mặc váy ống chia thành hai loại. Loại thường ngày, nửa dưới màu đen, nửa trên có các đường sọc ngang nhỏ, nhiều màu sắc. Loại ngày hội, gấu được thêu nhiều hoa văn hình quả trám hoặc các hoa văn theo sở thích của mỗi người, phần cạp để sọc trắng. Áo phụ nữ màu chàm đen được đan xen bằng nhiều mảnh vải màu, xẻ tà cài khuy bên phải, cổ hình tim, phía trước đính hai hàng bạc xu, phụ nữ Lào thường đeo vòng cổ bạc, vòng tay bạc, hoa tai bạc, trâm cài bạc. Chị Lò Thị Sị cho biết: Các sản phẩm chúng tôi đang truyền dạy bao gồm dệt váy, dệt áo, dệt khăn quấn đầu, dệt áo nam, quần nam, thắt lưng và khăn quấn đầu nam. Còn nội dung truyền dạy về thêu thì đối với áo nữ có các hoa văn như cổ áo, tay áo; đối với áo nam có thêu túi và sườn áo. Huyện tổ chức truyền dạy như này chúng tôi rất vui, bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự vì được truyền dạy lại cho bà con, để mong được lưu giữ cho các cháu và thế hệ mai sau”.
    Năm nay mới ngoài 40 tuổi là một phụ nữ siêng năng chăm sóc gia đình, nhưng vì không có nhiều thời gian nên nhiều kỹ thuật trong tạo hình trang phục còn chưa sáng tạo và muốn hiểu hơn về bản sắc của dân tộc mình, nên khi tham gia lớp học chị Kẻo rất hào hứng. Chia sẻ với chúng tôi, chị Kẻo nói: Học ở đây tôi hiểu hơn về những ý nghĩa hoa văn trên trang phục, hiểu được những họa tiết trên quần áo và khăn là không được thiếu vì mỗi cái có một ý nghĩa riêng. Tôi cảm thấy rất vui, thấy tự hào và yêu quý những bản sắc của dân tộc mình.
    

Ảnh: Nghệ nhân xã Mường Khoa đang truyền dạy kỹ thuật cắt áo Nam người Lào
    

Việc bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, nhằm nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp. Góp phần phát triển bền vững văn hóa dân tộc Lào gắn với phát triển du lịch địa phương; đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong đời sống văn hóa - xã hội của đồng bào dân tộc Lào; nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo vệ và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc. Đây cũng chính là cơ sở để xã Mường Khoa nói riêng và huyện Tân Uyên nói chung tiếp tục phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn các nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn trong thời gian tới.


Tác giả: Nguyễn Thường
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Bản đồ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT tỉnh mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 287
Hôm qua : 430