ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ TÂN UYÊN
ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ TÂN UYÊN
I Giới thiệu chung
1.Ban lãnh đạo
Đ/c: Mùa Thị Nu - Chủ tịch MBMTTQVN xã
Đ/c: Bùi Thị Hợi - Chủ tịch MBMTTQVN xã
Đ/c: Nguyễn Thị Hồng Nguyên - Phó Chủ tịch MBMTTQVN xã
Đ/c: Tạ Quang Thùy - Phó Chủ tịch MBMTTQVN xã
Đ/c: Tòng Văn Cương- Phó Chủ tịch MBMTTQVN xã
Chủ tịch MBMTTQVN xã
2. Địa chỉ liên hệ
- Trụ sở cơ quan: Đảng ủy xã Tân Uyên.
- Địa chỉ: Tổ dân phố 26, xã Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.
QUY ĐỊNH
chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy
Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Uyên
-----
- Căn cứ Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam;
- Căn cứ Quy định số 301-QĐ/TW, ngày 09/6/2025 của Ban Chấp hành Trung ương về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp xã;
- Căn cứ Quyết định số 114/QĐ-MTTQ-BTT, ngày 19/6/2025 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu về thành lập Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Uyên, tỉnh Lai Châu; Quyết định số 115/QĐ-MTTQ-BTT, ngày 23/6/2025 của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lai Châu về công nhận Ủy viên Ủy ban, các chức danh trong Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tân Uyên khóa I, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp Đảng bộ, Ban Thường vụ, Thường trực Đảng ủy xã Tân Uyên, nhiệm kỳ 2025 - 2030;
- Xét đề nghị của Ban Xây dựng Đảng Đảng ủy,
- Ban Thường vụ Đảng ủy quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Uyên như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
Quy định này quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Tân Uyên.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức
1. Tổ chức bộ máy Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm tinh gọn, rõ chức năng, nhiệm vụ, không chồng chéo, trùng lắp, hoạt động thông suốt, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
2. Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc xã được thành lập và hoạt động theo nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ đảng; tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động theo Điều lệ của mỗi tổ chức và quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan, có con dấu, tài khoản riêng, bảo đảm nguyên tắc các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời phát huy tính hiệu quả, chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối); bảo đảm bám sát cơ sở, quản lý đoàn viên, hội viên và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân.
3. Về lãnh đạo cấp phó
- Bố trí cán bộ, công chức ở xã và người hoạt động không chuyên trách ở bản, tổ dân phố kiêm nhiệm cấp phó của các tổ chức chính trị - xã hội ở xã. Khi đại hội của mỗi tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
- Số lượng lãnh đạo cấp phó Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã do ban thường vụ đảng ủy xã xem xét, quyết định phù hợp thực tiễn địa phương.
4. Biên chế
Biên chế của Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm đã được phê duyệt. Định hướng khoảng 8 - 10 biên chế, gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, công chức giúp việc. Trước mắt có thể bố trí biên chế nhiều hơn; sau khi hoàn thiện vị trí việc làm, tối đa sau thời gian 5 năm phải thực hiện đúng theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã được sử dụng đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên, tư vấn tự nguyện.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 3. Chức năng
Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã do ban thường vụ cấp uỷ cấp xã quyết định thành lập có chức năng tham mưu, giúp việc Uỷ ban, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các quy định của pháp luật, Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định của Đảng, Nhà nước có liên quan (có con dấu và tài khoản riêng).
Điều 4. Nhiệm vụ
1. Tham mưu, thực hiện
(1). Triển khai tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Điều lệ và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan; chủ trương, nghị quyết, chương trình phối hợp; kế hoạch công tác của Ban Thường trực, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban thường vụ, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp và các hoạt động phong trào theo yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương và chỉ đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; thực hiện quy chế dân chủ, giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
(2). Tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, động viên cổ vũ đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
(3). Hiệp thương giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.
(4). Hướng dẫn thực hiện Điều lệ, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ của các tổ chức chính trị - xã hội và các văn bản quy phạm pháp luật theo phân công, phân cấp.
(5). Sơ kết, tổng kết công tác mặt trận, đoàn thể, hội và các cuộc vận động, các phong trào thi đua theo phân công, phân cấp.
(6). Quản lý, điều hành, bảo đảm điều kiện hoạt động của cơ quan; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và người lao động có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực và kỹ năng công tác; xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Đề xuất các chế độ, chính sách liên quan đến quyền, lợi ích đối với cán bộ, công chức và người lao động trong Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã.
(7). Thực hiện nhiệm vụ khác do Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban thường vụ, ban chấp hành các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp giao.
2. Chủ trì, phối hợp
(1). Chủ trì, thống nhất hành động để tổ chức triển khai các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước mang tính toàn dân, toàn diện; đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của đoàn viên, hội viên; phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, hỗ trợ người yếu thế, gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội.
(2). Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách từ xã đến bản, tổ dân phố vững mạnh; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn dân cư, gắn bó với đoàn viên, hội viên và Nhân dân.
(3). Tổng hợp, thông tin về tình hình hội viên, đoàn viên, Nhân dân và kết quả thực hiện các phong trào thi đua yêu nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Ban Thường trực.
(4). Quản lý tài chính, tài sản, biên chế theo quy định; thực hiện chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức và người lao động theo thẩm quyền.
3. Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội
(1). Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Chương trình phối hợp thống nhất hành động trong hệ thống Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ.
(2). Kiểm tra, giám sát công tác huy động xã hội, tiếp nhận các khoản quyên góp, hỗ trợ, ủng hộ của các cá nhân và tổ chức thuộc các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.
(3). Xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội theo quy định của luật, Điều lệ và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan.
Điều 5. Tổ chức bộ máy
1. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch thường trực, các phó chủ tịch kiêm người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã gồm: Chủ tịch, các phó chủ tịch, công chức giúp việc. Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã là thủ trưởng cơ quan, Phó Chủ tịch Thường trực là phó thủ trưởng cơ quan.
Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã có từ 04 Phó Chủ tịch kiêm trưởng các tổ chức chính trị - xã hội (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân), trong đó lựa chọn, phân công 1 đồng chí làm Phó Chủ tịch Thường trực. Biên chế công chức cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã thực hiện theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Điều 6. Mối quan hệ công tác
Mối quan hệ công tác giữa Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã với cấp uỷ đảng các cấp, các cơ quan, ban, ngành cấp xã và tổ chức có liên quan thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã là đầu mối phối hợp công tác với cơ quan, ban, ngành cấp xã.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Quy định này có hiệu thi hành kể từ ngày 01/7/2025.
2. Căn cứ Quy định này, trên cơ sở số lượng biên chế được giao, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã xây dựng quy chế làm việc của Cơ quan, cụ thể hóa chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch, các phó chủ tịch và bộ phận chuyên môn của cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy xã xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.