Tân Uyên 6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao
Ngày 14/8/2024, UBND huyện Tân Uyên tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1, năm 2024; với chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đợt này có 04 chủ thể đăng ký tham gia. Đồng chí Lê Thanh Huy Phó Chủ tịch UBND huyện Chủ tịch Hội đồng đánh giá phân hạng cấp huyện chủ trì hội nghị, dự hội nghị còn có thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, đơn vị tư vấn, đại diện lãnh đạo xã và chủ thể có sản phẩm được đánh giá, phân hạng đợt này.
Ảnh: Lãnh đạo UBND huyện chụp ảnh cùng các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá đợt này
Trong đợt này, UBND huyện tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đối với 6 sản phẩm, gồm đánh giá lại 2 sản phẩm Bưởi Quang Lê và Ổi Quang Lê của HTX Phan Vinh - Tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên, và 4 hồ sơ đánh giá lần đầu gồm, sản phẩm Hoa địa lan Kiếm Trần Mộng của hộ kinh doanh Châu A Dơ - Bản Hô Tra, xã Mường Khoa. Sản phẩm thịt trâu gác bếp Hà Phớ và thịt ba chỉ lợn đen gác bếp Hà Phớ, hộ kinh doanh Hà Thị Phớ - Bản Tạng Đán, xã Thân Thuộc. Sản phẩm Cốm nếp Co Giàng, của hộ kinh doanh Lò Văn Hiện - Bản Pắc Ta, xã Pắc Ta, Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện đã nghiên cứu và xem xét kỹ các sản phẩm để đánh giá và chấm điểm bảo đảm chặt chẽ, khách quan, minh bạch. Hội đồng đánh giá các sản phẩm có nhiều cải tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trên cơ sở kết quả chấm thẩm định, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã đánh giá 6 sản phẩm nêu trên đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đồng chí Lê Thanh Huy Phó Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao tinh thần làm việc khách quan, công khai, minh bạch của hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; biểu dương cấp ủy chính quyền các xã, thị trấn và 4 chủ thể sản xuất kinh doanh đã nỗ lực xây dựng sản phẩm đạt sản phẩm OCOP. Đồng chí cũng mong rằng, trong thời gian tới các xã, thị trấn và các chủ thể tiếp tục đổi mới cách thức quảng bá, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm, khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương mang lại cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.