Hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP (đợt 2) năm 2024
Ngày 16/12/2024, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Uyên, tổ chức hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2 năm 2024. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh Huy- Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí thành viên Hội đồng và Tổ giúp việc theo Quyết định số 2318/QĐ-UBND ngày 06/11/2024 của UBND huyện; đại diện lãnh đạo UBND xã Nậm Sỏ, UBND thị trấn Tân Uyên; chủ thể có sản phẩm dự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị
Tham gia đánh giá phân hạng đợt này có 1 sản phẩm thực phẩm, nhóm gia vị là sản phẩm quế ống sáo Nậm Sỏ của hộ cá nhân kinh doanh Lò Văn Bình (bản Thó Ló, xã Nậm Sỏ) và 2 sản phẩm thực phẩm, nhóm nông sản chế biến gồm hạt mắc ca và nhân hạt mắc ca Tân Uyên của chủ thể là Hợp tác xã Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Tân Uyên. Qua đánh giá, phân hạng đối với 3 sản phẩm, Hội đồng đánh giá: 2 sản phẩm hạt mắc ca và nhân hạt mắc ca Tân Uyên đều đạt 57 điểm; quế ống sáo Nậm Sỏ đạt 54 điểm. Cả 3 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn 3 sao. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện có 25 sản phẩm OCOP, trong đó có 24 sản phẩm đạt 3 sao và 1 sản phẩm đạt 4 sao.
Ảnh: Các sản phẩm được đánh giá trong đợt 2 năm 2024
Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP huyện Tân Uyên đánh giá 3 sản phẩm OCOP đều sử dụng 100% lao động là người địa phương; sản phẩm hương vị đặc trưng, bổ dưỡng, phù hợp với nhiều lứa tuổi. Chủ thể đã quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định; câu chuyện sản phẩm ngắn gọn, súc tích và có các thông điệp đặc sắc về sản phẩm. Chủ thể đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh vùng nguyên liệu, từ đó cho thấy lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP là bước khẳng định chất lượng sản phẩm theo tiêu chí của Chương trình OCOP, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân khu vực nông thôn. Thông qua đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP sẽ khuyến khích, tạo động lực cho các tổ chức kinh tế khắc phục các tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm./.