Kế hoạch thực hiện “Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025” trên địa bàn tỉnh Lai Châu
Mục tiêu chung của Đề án nhằm củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Thực hiện công bằng trong giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách. Tăng cường phổ biến kiến thức và tư vấn nuôi dạy trẻ cho các gia đình, chuẩn bị tốt cho trẻ em vào học lớp 1. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phát triển giáo dục mầm non cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Ảnh minh họa.
Trong giai đoạn 2019 - 2020, Đề án đặt mục tiêu bảo đảm tỷ lệ 01 phòng học/lớp (nhóm); tỷ lệ phòng học kiên cố, bán kiên cố đạt 95%; 38% số trường đủ các phòng chức năng, hành chính quản trị, nhà bếp theo quy định; 100% số trường được lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin để ứng dụng trong quản lý và dạy học...
Về huy động trẻ ra lớp huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp đạt trên 21%; trẻ từ 3 đến 5 tuổi ra lớp đặt trên 98%.
Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phấn đấu 98% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,2%/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,1%/năm…
Về đội ngũ giáo viên phấn đấu có trên 75% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên trên 40% nhà giáo biết một thứ tiếng dân tộc; trên 50% nhà giáo là đảng viên; 100% trường học có chi bộ; 100% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên…
Về phổ cập giáo dục mầm non tiếp tục tập trung ưu tiên nguồn lực củng cố, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Ở giai đoạn 2021 – 2025, Đề án đặt ra mục tiêu về cơ sở vật chất, quy mô, mạng lưới trường lớp phấn đấu tỷ lệ 100% phòng học kiên cố, bán kiên cố; các trường có phòng chức năng, nhà bếp đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong việc chăm sóc, nuôi dạy và học tập...
Về chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ phấn đấu trên 98% nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày và ăn bán trú; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm trung bình 0,3%/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm trung bình 0,2%/năm…
Về đội ngũ giáo viên phấn đấu 80% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên; 100% cán bộ quản lý giáo dục có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; 100% cán bộ quản lý được qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý; 97,8% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ tin học theo quy định...
Để thực hiện các mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra 7 giải pháp như tăng cường tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và nâng cao nhận thức về giáo dục mầm non; đổi mới công tác giáo dục mầm non; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục mầm non; tăng cường hợp tác quốc tế; xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường nguồn lực tài chính đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường mầm non theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ mầm non.
Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan thường trực, chủ trì triển khai, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kế hoạch. Xây dựng kế hoạch phát triển giáo dục mầm non theo từng năm học... Đồng thời, chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan, UBND huyện, thành phố hàng năm xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch.
UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức của Nhân dân, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn về các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đối với giáo dục mầm non và vai trò, tầm quan trọng của Giáo dục và Đào tạo đối với công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội...
Xem chị tiết Kế hoạch tại đây.
Trần Cường