Bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp
Vừa qua, tại huyện Tân Uyên, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị, bàn giải pháp liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Hà Trọng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Văn Châu – Tỉnh ủy viên, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Dương Đình Đức – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh; Bùi Huy Phương – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tân Uyên. Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, thành phố; các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp…
Ảnh: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp thông qua báo cáo tại hội nghị
Lai Châu có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số chính sách về phát triển nông nghiệp HHTT; phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... để tạo điều kiện hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân.
Năm 2024, tổng sản lượng lương thực có hạt toàn tỉnh ước đạt 226.100 tấn, trong đó diện tích lúa cả năm đạt 31.372ha, sản lượng 153.200 tấn. Diện tích cây chè 10.531ha, diện tích chè kinh doanh 8.397ha; trồng mới 520ha chè, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt 60.300 tấn. Trồng mới 520ha cây ăn quả các loại, nâng tổng diện tích cây ăn quả lên 8.100ha, sản lượng ước đạt 52.100 tấn; diện tích cây dược liệu 11.303ha, trong đó diện tích cây sâm Lai Châu khoảng 100ha, trên 6.600ha thảo quả, 2.500ha cây Sa nhân. Diện tích cây Mắc ca 7.421ha, sản lượng ước đạt 3.430 tấn; cây rau 2.800ha, sản lượng 21.587 tấn...Tổng đàn gia súc chính đạt 371.930 con, 1.820 triệu con gia cầm. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 21 nghìn tấn; diện tích ao nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 1.027ha, 92 cơ sở nuôi cá nước lạnh, thể tích nuôi 66.920m3¬, thể tích nuôi cá lồng 220.592m3; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt tự nhiên ước đạt 3.725 tấn. Toàn tỉnh hiện có 195 doanh nghiệp, 221 hợp tác xã, 173 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2021 – 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí trên 953 tỷ đồng thực hiện các đề án: phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, phát triển rừng bền vững, phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp tập trung, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm...
Ảnh: Đại biểu tham luận tại hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đề xuất các giải pháp về: Liên kết hình thành vùng, sản phẩm chủ lực có quy mô đủ lớn, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; hình thức liên kết hiệu quả; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên kết; quản lý chất lượng vùng nguyên liệu (trồng, quản lý chăm sóc, thâm canh; quản lý thu hoạch, chế biến…); giải pháp phân định vùng nguyên liệu; đề xuất xác định sản phẩm, phối hợp hình thành liên kết vùng sản xuất giữa các huyện nhằm tạo sản phẩm có quy mô lớn, chất lượng gắn chế biến; các giải pháp về cơ chế, chính sách sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa trong giai đoạn tới theo hướng liên kết, hữu cơ, an toàn....
Ảnh: Đồng chí Lê Văn Lương – Phó Bí thư – Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị
Phát kết luận, đồng chí Lê Văn Lương – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các sở, ngành, các huyện, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh về phát triển nông nghiệp HHTT giai đoạn 2021-2025. Có quy chế quản lý vùng nguyên liệu và sự hướng dẫn của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn thực hiện liên kết đảm bảo yếu tố thực hiện và quy định của pháp luật. Vận động tuyên truyền phổ biến đến người dân; xây dựng các quy ước, hương ước. Phát huy vai trò quản lý nhà nước đối với việc liên kết tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, cần tính toán để liên kết chặt chẽ hơn với người dân, chú ý về kỹ thuật, cách quản trị thông qua cơ sở là bí thư chi bộ, trưởng bản, các đoàn thể ở các địa phương. Đối với tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm tìm kiếm đối tác, xuất khẩu sản phẩm. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, trong đó Hội Nông dân phải phát huy vai trò nòng cốt, chọn một số điểm để thực hiện một số mô hình. Tuyên truyền, phân tích, thuyết phục cho nông dân hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết. Sở NN &PTNT phải thực sự quyết liệt, trước hết phải ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về công tác liên kết và tính toán để tổ chức luân phiên giữa các huyện. Tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, hướng đến việc liên kết trong quy mô toàn tỉnh. Tạo điều kiện về đất đai, cơ chế chính sách, ưu tiên tối đa cho nông nghiệp, quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất.
Ảnh: Lãnh đạo UBND các huyện, các Công ty ký cam kết
Nhân dịp này, các huyện có thế mạnh phát triển vùng sản xuất hàng hóa và cây ăn qua đã ký kết biên bản thống nhất phối hợp thực hiện liên kết vùng, tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, hình thành các vùng sản xuất HHTT đối với cây mít, mía, dứa; sản xuất, nâng cao chất lượng vùng chè. Đồng thời ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Thương mại Quang Hà Điện Biên để phát triển vùng trồng dứa với quy mô khoảng 1.000ha; Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Khánh Thìn, đầu tư trồng và phát triển cây mít ruột đỏ với quy mô khoảng 800ha; Công ty TNHH Thương mại tỉnh Lai Châu phát triển cây mía với quy mô khoảng 7.000ha.
Tại sự kiện, Công ty Cổ phần Bio Farm Việt Nam cũng ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Chè Tam Đường và Công ty TNHH Xây dựng Tuyền Phương đầu tư sản xuất chè an toàn, nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch quảng bá sản phẩm...