Thành tựu sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm”
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên Khóa XVIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt được hiệu quả, Cấp ủy, Chính quyền huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kêu gọi các nhà đầu tư, trong đó ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đến nay sau hơn 2 năm triển khai “Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 01/7/2020 về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, bao tiêu sản phẩm trên địa bàn huyện Tân Uyên giai đoạn 2020 - 2025, đã mạng lại hiệu quả thấy rõ. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung với quy vừa và nhỏ tại các xã, thị trấn, từ đó đã giúp người dân nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo.
Ảnh: Mô hình Lợn khép kín của công ty TNHH và Phát triển Lai Châu
Huyện Tân Uyên được biết là huyện có điều kiện thuận lợi về khí hậu, đất đai, giao thông, là một lợi thế để phát triển kinh tế. Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của huyện Tân Uyên, tại Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định 11 chỉ tiêu, 03 Nghị quyết chuyên đề. Trong đó có Nghị quyết về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện Tân Uyên giai đoạn 2020-2025; để Nghị quyết đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã lựa chọn, phân công các tập thể, cá nhân chủ trì tham mưu các kế hoạch thực hiện Nghị quyết chuyên đề trong đó đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị; UBND các xã, thị trấn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, UBND các xã, thị trấn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả. Cùng với đó các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của Trung ương, của tỉnh, của huyện như xây dựng quy hoạch vùng sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung,… Đồng chí Ngọ Doãn Bình – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Uyên cho biết: Huyện đã ưu tiên tối đa nguồn vốn hỗ trợ sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác của người dân vào sản xuất. Quy hoạch sản xuất gắn với chuỗi giá trị hàng hóa, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, trong thời gian qua đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng tích cực, hình thành một số vùng sản xuất tập trung. Năm 2022, sản xuất lúa hàng hóa đạt 803 tấn tăng 39,3 tấn so với năm 2021. Thực hiện trồng mới Chè tập trung được 120,87 ha, nâng tổng số Chè toàn huyện lên trên 3000 ha. Năm 2022 huyện đã hỗ trợ chăn nuôi đại gia súc tập trung với 07 điểm có quy mô chăn nuôi Trâu, Bò từ 30-50 con. Song với đó huyện cũng đã triển khai có hiệu quả phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 0,2/01 ha nhà màng, nhà lưới, nâng tổng diện tích nhà màng, nhà lưới của huyện là 0,85 ha. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 24 Hợp tác xã, trong đó có 08 Hợp tác xã và 16 Tổ hợp tác.
Ảnh: Mô hình Chanh leo tại bản Hô Tra, xã Phúc Khoa
Là một trong những xã đi đầu trong thực hiện có hiệu quả của Nghị quyết số 02 đó là xã Phúc Khoa, ngày từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã đã lãnh, chỉ đạo trong triển khai thực hiện Đề án, xã đã ban hành nhiều văn bản lồng ghép để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, phân công nhiệm vụ cho từng cá nhân phụ trách, người đứng đầu, đồng chí Lê Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa cho biết: Xã đã đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới, phát huy và khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu Chè, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm Chè để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ do đó đến nay sản phẩm Chè của xã Phúc Khoa sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Trên địa bàn đã có 1 sản phẩm Chè sạch, 4 sản phẩm nông nghiệp khác được công nhận đạt chuẩn OCOP tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân. Thu nhập của người dân năm 2022 đạt 40 triệu/người/năm, cao hơn 2,3 lần so với năm 2015 khi mới được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Gia đình Anh Nguyễn Văn Chính tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa là hộ gia đình đầu tiên của xã có sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, anh cho biết: Sản phẩm Chè của gia đình được kiểm soát từ khâu chăm sóc, bón phân đến khi thu hái đều đảm bảo an toàn thực phẩm, trong toàn bộ quá trình sản xuất, được đóng gói, gắn tem, nhãn để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm và truy xuất nguồn gốc. Chè của hộ gia đình hiện nay đã có trong các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Ảnh: Mô hình Ớt tại bản Hô Tra, xã Phúc Khoa
Xác định chuyển đổi cây trồng trên chân ruộng một vụ là nhiệm vụ cần thiết để nâng cao thu nhập cho người dân, trong thời gian qua cấp ủy Đảng, Chính quyền xã Phúc Khoa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi đất ruộng một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao, như Chanh leo, Bí đao Noova… trong đó xã đã vận động người dân cùng với Hợp tác xã Phương Nam đưa vào trồng thử nghiệm cây Ớt chỉ địa trên địa bàn và đến nay sau hơn 2 tháng trồng, diện tích Ớt trên địa bàn đang sinh trưởng và phát triển tốt hứa hẹn cho một mùa thắng lợi.
Chị Phạm Thị Mai - Công chức Nông nghiệp - Địa chính xã Phúc Khoa cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã Phúc Khoa có 4,99 ha, được trồng ở các bản Hô Ta, Nậm Bon. Ớt chỉ địa là cây trồng ngắn ngày, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu Miền núi, chăm sóc sau khi trồng khoảng 45 ngày cây Ớt đâm nụ, ra hoa kết trái, giai đoạn thu có thể kéo dài từ 60-90 ngày tùy vào thời tiết và tình hình sinh trưởng, năng suất bình quân từ 25-30 tấn/ha, Ớt chỉ địa trồng dễ, đầu ra ôn định.
Ảnh: Mô hình trồng Chuối tại bản Tân Bắc, xã Pắc Ta
Cũng như xã Phúc Khoa, xã Pắc Ta là xã có vị trị địa lý thuận lợi có diện tích tự nhiên là trên 9.600 ha trong đó đất nông nghiệp trên 4000 ha, để phát huy lợi thế đó xã xác định phát triển nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm để đưa xã trở thành xã phát triển. Để thực hiện điều đó Cấp ủy, Chính quyền xã Pắc Ta đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với người dân bằng việc chuyển đổi phương thức sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả sang sản xuất áp dụng khoa học, trong đó chú trọng phát triển vùng. Đến nay sau 3 năm triển khai đề án, xã Pắc Ta đã phát triển các vùng sản xuất tại các bản Tân Pắc, Quyết Tiến, Sơn Hà, đây là những vùng có diện tích đất một vụ kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Đồng chí Lê Việt Vương - Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã có 132,6ha cây ăn quả, trong đó cây Chanh leo là 9,7 ha, cây Bưởi 18 ha, cây Chuối trên 50 ha, 4ha cây Xoài, những diện tích cây ăn quả của xã đã và mạng lại hiệu quả, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Là một trong nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Pắc Ta đã chuyển đổi vườn tạp sang trồng cây ăn quả và đã mang lại hiệu quả đó là gia đình bà Vũ Thị Phương tại bản Sơn Hà, xã Pắc Ta nhờ trồng cây Bưởi diễn mà kinh tế gia đình đã được nâng lên. Bà Vũ Thị Phương tại bản Sơn Hà, xã Pắc Ta chia sẻ: Năm 2010 được sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương bà trồng 20 cành Bưởi diễn trên diện tích vườn tạp của gia đình, từ việc trồng cây Bưởi diễn đã mang lại kinh tế cao, năm 2013 bà tiếp tục mở rộng diện tích trồng Bười da xanh với 1200 m2 đất gia đình nhà bà trồng 50 gốc Bưởi da xanh, Bưởi diễn, với giá bán Bưởi da xanh là trên 40 nghìn đồng, Bưởi diễn là 10 nghìn đồng mỗi năm gia đình bà thu nhập vài chục triệu đồng từ việc bán Bưởi, việc có thu nhập từ cây Bưởi đã giúp gia đình bà có cuộc sống tốt hơn.
Ảnh: Mô hình Bưởi tại xã Pắc Ta
Có thể khẳng định Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Uyên đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành động lực quan trọng làm thay đổi diện mạo, đời sống kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn. Để đạt được kết quả tích cực ấy thì yếu tố cốt lõi nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy chính quyền các cấp, không ngừng được nâng lên, khơi dậy sức mạnh đoàn kết và sáng tạo của Nhân dân các dân tộc phục vụ cho công cuộc dựng xây và phát triển huyện Tân Uyên từ một huyện nghèo của tỉnh đã và đang nỗ lực vững vàng hướng tới mục tiêu trở thành một huyện có nền kinh tế phát triển khá của tỉnh.
Trong thời gian tới, huyện Tân Uyên xác định: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao năng lực và chất lượng chế biến nông lâm. Củng cố kiện toàn, thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác, tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất lúa hàng hóa, lúa chất lượng cao theo quy hoạch; tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nhân rộng các mô hình sản xuất như: Chuối, Dưa lưới, Bí đao xanh…, Đồng thời, rà soát các nội dung hỗ trợ để điều chỉnh, bổ sung kịp thời nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá. Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.