Phúc Khoa: Đưa vào trồng hơn 4 ha Chanh leo trên chân ruộng một vụ
Mặc dù cây Chanh leo đã được đưa vào trồng tại huyện Tân Uyên từ năm 2020 và đã khẳng định được giá trị kinh tế. Song đối với xã Phúc Khoa thì cây Chanh leo lại trở lên mới mẻ, vì vậy để người dân tin tưởng vào cây Chanh leo, thì cấp ủy, chính quyền xã đã vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng vật nuôi trên chân ruộng một vụ kém hiệu quả và đưa vào trồng trên 4 ha Chanh leo, sau hơn một năm cây Chanh leo đã mang lại hiệu quả cho người trồng.
Ảnh; Mô hình Chanh leo tại bản Nậm Bon, xã Phúc Khoa
Mô hình Chanh leo của gia đình anh Lò Văn Chiu tại bản Hô Bon, xã Phúc Khoa, được sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền xã, gia đình anh đã chuyển đổi 1500m2 đất kém hiệu quả sang trồng cây Chanh leo, đến nay sau hơn một năm trồng, diện tích Chanh leo đã phát triển tốt, ổn định và đã cho thu hoạch. Anh cho biết trong quá trình trồng, chăm sóc cần thực hiện tốt việc lựa chọn cây giống đảm bảo chất lượng, thực hiện các quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, tỉa cành, lá của cây Chanh leo, đồng thời theo dõi hàng ngày để phát hiện kịp thời sâu bệnh hại cây, hại quả. Qua hơn một năm trồng Chanh leo, Anh nhận thấy cây rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Các lứa quả đều, mẫu mã đẹp, to, mọng nước, chất lượng quả ngọt, thơm. Bên cạnh đó mặc dù sản lượng Chanh thu hoạch 1 đợt khá nhiều xong với sự cam kết bao tiêu về sản phẩm của Công ty nên gia đình Anh rất yên tâm chăm sóc thâm canh phát triển và mở rộng vùng Chanh leo.
Ảnh; Mô hình Chanh leo của gia đình Lò Văn Chiu tại bản Hô Bon, xã Phúc Khoa
Với ưu điểm trồng sau 6 tháng được thu hoạch, thời vụ thu rải rác trong cả năm và cho thu hoạch trong 3 - 5 năm liên tục, cây Chanh leo đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Cây Chanh leo là loại cây dễ trồng, công chăm sóc lại ít, chỉ cần tỉa cành, lá để quả nhận được ánh nắng mặt trời và tránh sâu bệnh. Chị Nguyễn Thị Mai, Công chức Nông nghiệp - Địa chính xã Phúc Khoa cho biết: Hiện nay trên địa bàn Phúc Khoa đang có trên 4 ha Chanh leo được trồng tại các bản Nậm Bon, Hô Bon, được trồng trên những diện tích đất ruộng 1 vụ, đất trống, đất trồng cây hiệu quả thấp. Trong quá trình triển khai thực hiện cán bộ xã đã cùng với doanh nghiệp hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, làm giàn, chăm sóc cây Chanh leo gắn với ký cam kết với nhân dân để bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Đây là cơ hội để nhân dân chuyển đổi cây trồng nâng cao giá trị, khai thác tốt lợi thế trên đất chân ruộng một vụ.
Ảnh: Cán bộ xã hướng dẫn nhân dân chăm sóc chanh leo
Với việc đưa Chanh leo vào trồng trên đất chân ruộng một vụ tại xã Phúc Khoa đã mang lại hiệu quả giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.