Ngân hàng Chính sách xã hội huyện: Đồng hành cùng mục tiêu giảm nghèo
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Uyên đi vào hoạt động từ ngày 22/6/2010. Từ khi thành lập đến nay, NHCSXH huyện luôn đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ảnh: Toàn cảnh Chi nhánh NHCSXH huyện Tân Uyên
Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo của huyện, những năm qua, NHCSXH huyện Tân Uyên luôn tạo điều kiện cho các gia đình khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi. Tính đến ngày 30/9/2022, tổng dư nợ các chương trình đạt 407 tỉ 800 triệu đồng với 6.876 khách hàng đang còn dư nợ. Trong đó, cho vay hộ nghèo dư nợ hơn 83 tỉ 773 triệu đồng; cho vay hộ cận nghèo dư nợ gần 43 tỉ đồng. Từ nguồn vốn vay này, hàng ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, thoát khỏi diện nghèo, cận nghèo.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình ông La Văn Ô tại bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc
Cách đây 4 năm, Gia đình ông La Văn Ô ở bản Chom Chăng, xã Thân Thuộc có diện tích vườn rộng, nhưng do thiếu vốn, vì vậy gia đình ông không biết chăn nuôi, trồng trọt bắt đầu từ đâu. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, vào năm 2018 ông đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư vào chăn nuôi trâu bò, trồng chè trên chính mảnh đất của gia đình. Với bản tính ham học hỏi và mong muốn tìm hướng phát triển sản xuất, chăn nuôi, nên khi thấy địa phương mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, ông đã tích cực tham gia để áp dụng vào mô hình của gia đình. Sau 4 năm, đàn trâu, bò của gia đình ông đã tăng lên 16 con,diện tích trồng chè của gia đình ông ngày càng mở rộng.Cũng như gia đình ông Ô,anh Tòng Văn Thương ở bản Nà Ban, xã Thân Thuộc được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của Phòng GD Ngân hàng CSXH huyện, với thời gian vay trong 8 năm. Từ nguồn vốn được vay, anh đầu tư vào chăm sóc trên 1ha chè của gia đình. Với đôi bàn tay cần cù và tinh thần dám phá bỏ lối tư duy cũ kém hiệu quả, anh Thương đã biến mảnh đất chè cằn cỗi thành vườn đồi xanh tốt mơn mởn. Nhờ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật, vườn chè của gia đình anh đã cho thu hái thường xuyên, thu nhập mỗi tháng từ 8-10 triệu đồng. Ngoài trồng chè anh còn đầu tư đào ao thả cá, chăn nuôi ngan, vịt để tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học.
Ảnh: Mô hình trồng chè của gia đình anh Thương tại bản Nà Ban, xã Thân Thuộc
Trên đây chỉ là 2 trong nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Tân Uyên được tiếp cận vay và đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH huyện, phát triển kinh tế và trở thành hộ khá giả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong thời gian vừa qua.Đánh giá hiệu quả của vốn tín dụng chính sách trong công tác xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn xã, đồng chí Lê Thanh Tuấn- Phó Chủ tịch UBND xã Thân Thuộc cho biết: Qua các nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện đã giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, tạo công ăn việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Như vậy, qua nguồn vốn được vay, đa số các hộ gia đình đã đầu tư vào sản xuất, kinh doanh nhằm mục đích thoát nghèo. Nhiều hộ nghèo đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu, trở thành tấm gương cho các hộ khác học tập, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong phong trào giảm nghèo bền vững tại địa phương.