Tập trung chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại xã Nậm Cần
Hiện nay, tổng đàn gia súc của xã Nậm Cần có trên 2670 con, gia cầm các loại 12.800 con. UBND xã xác định phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm đang phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Cùng với các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình, dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xã đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm.
Ảnh: Toàn cảnh bản Nà Phát xã Nậm Cần
Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào phát triển chăn nuôi ở xã Nậm Cần ngày càng được nhân rộng. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo mô hình gia trại, trang trại. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, UBND xã đã khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cỏ voi, đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc. Bên cạnh đó, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch bệnh, làm chuồng trại để che chắn, tránh gió lùa cho gia súc, đảm bảo đủ ấm trong mùa đông, thoáng mát trong mùa hè.
Là một trong những hộ điển hình trong việc nuôi trâu gia trại chị Lù Thị Buôn, Bản Nà Phát cho biết: Gia đình bắt đầu nuôi trâu từ năm 2014, duy trì nuôi từ 5-7 con trâu, trồng 300 m2 cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn, bảo đảm đàn trâu không bị đói, rét vào mùa đông. Nhờ vậy, đàn trâu sinh trưởng và phát triển tốt, từng bước nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình. Ngoài nuôi trâu sinh sản gia đình chị còn đầu tư chăn nuôi con lợn, gà để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi gia trại của gia đình chị Buôn
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, UBND xã đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Chỉ đạo các tổ chức đoàn thể xã phối hợp với Ngân hàng ký ủy thác, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi để người dân đẩy mạnh đầu tư phát triển chăn nuôi, đồng thời khuyến khích phát triển chăn nuôi đại gia súc theo mô hình trang trại. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, gắn với trồng cỏ, tạo bước đột phá, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển./.