Tân Uyên chú trọng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Có lợi thế về giao thông, hệ thống sông suối đa dạng, tài nguyên khoáng sản và nguồn nước dồi dào, những năm gần đây huyện Tân Uyên đã có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Sau khi được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các sở, ngành liên quan về các quy trình, thủ tục, đầu năm 2024 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ của Công ty Cổ phần Thành Công ở Tổ dân phố 3, thị trấn Tân Uyên bắt đầu đi vào hoạt động. Hiện nay Nhà máy này được đầu tư hệ thống máy hóc hiện đại, tự động hóa 100%, với công suất 20 tấn/ngày. Đến nay, thị trường chính của Công ty Cổ phần Thành Công là cung cấp cho người làm chè ở Tân Uyên và các cá nhân, tổ chức, trồng cây ăn quả ở tỉnh Sơn La. Năm 2024 Công ty bán ra thị trường trên 2.000 tấn phân hữu cơ, đem về doanh thu trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương với mức lương bình quân trên 10 triệu đồng.
Năm 2019, được UBND tỉnh chấp thuận cùng sự quan tâm tạo điều kiện của UBND huyện Tân Uyên về mặt bằng, thủ tục hành chính, Công ty cổ phần Thủy điện Tây Hoàng Liên đã đầu tư xây dựng Nhà máy thủy điện Hua Chăng 2, tại thị trấn Tân Uyên với công suất 7MW, được chia làm 2 tổ máy, sản lượng phát điện đạt 22,4 triệu Kwh/năm. Từ tháng 6/2021, khi nhà máy đi vào vận hành, trung bình mỗi năm đóng góp cho ngân sách địa phương khoảng gần 4 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 16 người địa phương và các tỉnh khác với mức thu nhập trung bình từ 8,5 -13,5triệu đồng/người/tháng.
Ảnh: Công tác vận hành máy tại nhà máy thủy điện Hua Chăng
Để công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển, thời gian qua huyện Tân Uyên đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, phát triển các cơ sở chế biến công nghiệp. Đặc biệt, huyện đã có hướng dẫn xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào huyện. Vì vậy, thời gian qua công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở Tân Uyên phát triển mạnh theo hướng đa dạng ngành nghề, chú ý khôi phục và phát triển các nghề truyền thống. Việc phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh trật tự của huyện Tân Uyên; cải thiện và nâng cao đời sống của Nhân dân, đã tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội của huyện. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2024 huyện Tân Uyên đạt trên 662 tỷ đồng. Một số sản phẩm chủ yếu như: Chè khô các loại 5.996,69 tấn; đá xây dựng 101.872,86 m3; gạch xây dựng các loại 7.376,80 nghìn viên; điện phát ra 219,94 nghìn KW, nước sản xuất 250,60 nghìn m3.
Ảnh: Khai thác đá xây dựng tại mỏ đá Cang A, xã Pắc Ta
Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, hiện nay huyện Tân Uyên đang tập trung thực hiện giải pháp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống giao thông, tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, giao thương hàng hóa; thực hiện quy hoạch các vùng nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến; tập trung đào tạo nguồn lao động. Cùng với đó, huyện tiếp tục ban hành nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy thu hút đầu tư công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào huyện.