Tín hiệu vui cho ngành Chè Tân Uyên
Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện cùng với sự nỗ lực của các Công ty, Hợp tác xã và người dân trên địa bàn huyện mà tình hình sản xuất Chè của huyện Tân Uyên trong năm qua có nhiều khởi sắc.
Ảnh: Vùng Chè của Công ty Cổ phần Trà Than Uyên
Công ty Cổ phần Trà Than Uyên là một trong những Công ty sản xuất và kinh doanh Chè lớn nhất của tỉnh Lai Châu cũng như huyện Tân Uyên. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, vùng nguyện liệu trong những năm qua, Công ty đã chú trọng đầu tư chăm sóc cây Chè và xây dựng chiến lược phát triển vùng Chè nguyên liệu bền vững. Đồng thời đẩy mạnh việc cải tiến dây truyền công nghệ; chủ động hợp tác với các đối tác kinh doanh trong và ngoài nước. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để Công ty ngày càng phát triển. Kết quả trên cũng đã được khẳng định bằng việc ngày có nhiều bạn hàng trong và ngoài nước ký kết hợp đồng kinh tế có giá trị lâu dài như: Pakitstan, Trung quốc... Đó là tín hiệu vui, song cũng là trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo làm công tác quản lý nhằm tăng doanh thu cho đơn vị và đảm bảo đời sống cho người lao động và Nhân dân các dân tộc thuộc vùng Chè có mức thu nhập ổn định từ 5,5-6 triệu đồng/người/tháng. Ông: Vũ Hoàng Mạnh - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Than Uyên cho biết: Hiện nay Công ty có vùng nguyên liệu trên 430 ha và ký hợp đồng bao tiêu Chè búp tươi cho trên 700 ha Chè dự án với giá mua vào hiện nay của Công ty là 6.500 đồng/ 1 kg Chè búp tươi.
Ảnh: Người dân đang chăm sóc Chè Xuân
Để giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, những năm trở lại đây, huyện Tân Uyên đã đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong đó có cây Chè. Huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn và Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn là cây Chè, nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Chính vì vậy đến nay đời sống của người dân trên địa bàn huyện đã được nâng lên, người dân làm giàu từ cây Chè, diện tích Chè của huyện ngày càng được phát triển. Riêng năm 2021, toàn huyện trồng mới được 91,8 ha Chè, đạt 114,7% kế hoạch, nâng tổng diện tích Chè của toàn huyện lên trên 3.240 ha, trong đó Chè kinh doanh là 2700 ha. Nhiều diện tích chè trồng mới từ những năm trước cũng đã cho thu hoạch, tạo việc làm ổn định cho khoảng trên 1.000 người dân địa phương, bà con thuộc diện tái định cư ở khu vực Chè nguyên liệu của huyện có việc làm và thu nhập ổn định.
Ảnh: Vùng Chè Phúc Khoa
Đồng chí Lê Thanh Huy - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Thực hiện Nghị quyết, Đề án, các chính sách của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng trọng tâm, trọng điểm, các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, trong đó có cây Chè. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Tân Uyên sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng Chè mới thêm 400 ha, kêu gọi các các Công ty, Hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất đưa những máy móc dây chuyền sản xuất hiện đại vào sản xuất, chế biến sâu để nâng cao giá trị của sản phẩm cũng như thu nhập của người trồng Chè, giúp người dân xóa đói giảm nghèo.