Tân Uyên: Thanh niên lập thân, lập nghiệp
Lập thân, lập nghiệp luôn là vấn đề được quan tâm trong đời sống thanh niên với nhiều khát vọng, trăn trở. Cơ hội song hành với thách thức, khó khăn trong khởi nghiệp luôn là động lực để giới trẻ phát huy trí tuệ, bản lĩnh để đi đến thành công. Từ sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương, các cấp, các ngành đặc biệt là Huyện đoàn Tân Uyên đã phát huy vai trò nòng cốt trong tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên làm giàu.
Ảnh: Mô hình nuôi Ong của đoàn viên Lò Văn Sang tại xã Trung Đồng
Với khát vọng, nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có ý chí khắc phục khó khăn vươn lên lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, nhiều đoàn viên thanh niên còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất - kinh doanh. Vì vậy, để đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp, tạo việc làm, trong thời thời gian qua Huyện đoàn Tân Uyên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, gắn với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Đồng chí Nguyễn Thị Huyền - Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Uyên cho biết: Phong trào đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp được triển khai thực hiện rộng khắp và ngày càng nâng cao về chất lượng. Từ phong trào đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện. Qua đó ngày càng khẳng định vai trò của tuổi trẻ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng với đó, phong trào đã góp phần cổ vũ, định hướng và hỗ trợ thanh niên của huyện nhà vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp. Từ đó đã phát huy mạnh mẽ vai trò xung kích của cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên trong công tác tuyên truyền và thực hiện thắng lợi đề án xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, hướng tới xây dựng huyện Tân Uyên ngày càng phát triển giàu đẹp. Trong những năm qua, Huyện đoàn Tân Uyên đã đẩy mạnh tổ chức triển khai Chương trình “Khởi nghiệp sáng tạo” đến đoàn viên, thanh niên đã và mang lại hiệu quả như: Mô hình nuôi Cá lồng; mô hình nuôi Bò thương phẩm; mô hình trồng cây ăn quả, nuôi Bò Babe; mô hình nuôi Dúi; mô hình nuôi Dê thịt,... Từ phong trào, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp đã hình thành được 35 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, mang lại việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn. Khuyến khích đoàn viên, thanh thiếu nhi đề xuất 2.030 ý tưởng sáng tạo được đăng tải trên Cổng Thông tin Ngân hàng ý tưởng sáng tạo Thanh niên Việt Nam.
Ảnh: Mô hình nuôi Dúi của đoàn viên Đỗ Xuấn Thắng - Đoàn viên Đoàn Thanh niên thị trấn Tân Uyên
Nhằm giúp các đoàn viên phát triển kinh tế, các cơ sở Đoàn phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt tuyên truyền chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo đến đoàn viên, thanh niên. Vận động đoàn viên, thanh niên vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, học tập và tạo việc làm. Song song với đó, các cơ sở Đoàn đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, đặc biệt cho thanh niên nông thôn, sinh viên ra trường chưa có việc làm, tư vấn hướng nghiệp. Trong năm 2022, các tổ chức tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm, tập huấn kiến thức khởi nghiệp về các lĩnh vực: May mặc, hầm mỏ, cơ khí, xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm, công xưởng... với 617 ĐVTN tham gia. Qua đó đã góp phần thúc đẩy, nâng cao tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên. Đồng thời hướng thanh niên khởi nghiệp bền vững, kết quả có 165 bạn ĐVTN đã tìm được việc làm phù hợp và ký kết hợp đồng với đơn vị tuyển dụng.
Để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của thanh niên, quan trọng vẫn là sự quan tâm, chia sẻ từ tổ chức Đoàn, cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, không dừng lại ở việc tạo nguồn vốn, vận động thanh niên thay đổi nếp nghĩ, cách làm mà còn gồm các hoạt động hỗ trợ khác. Cùng với sự nỗ lực triển khai, thực hiện của Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn; công tác ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã giúp đoàn viên, thanh niên và nhân dân các thôn bản vùng sâu, vùng xa đều tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng ưu đãi, góp phần phát triển kinh tế chung của địa phương. Hiện nay nguồn vốn ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác qua Đoàn Thanh niên đang quản lý là 51 tổ, với số hộ vay vốn đang quản lý là 2.018 hộ, tổng dư nợ là 113 tỷ đồng.
Thời gian qua, mô hình khởi nghiệp, lập nghiệp của lực lượng đoàn viên, thanh niên phát triển ngày tốt hơn. Đã có một số mô hình phát triển kinh tế do thanh niên làm chủ bước đầu đem lại hiệu quả cao như: Mô hình nuôi Dúi mốc của đoàn viên Đỗ Xuân Thắng ở Tổ dân phố 5, thị trấn Tân Uyên, anh chia sẻ: Năm 2019, anh được quỹ ủy thác của Đoàn Thanh niên cho vay 50 triệu đồng, cùng với số tiền của gia đình, anh đã đầu tư 160 m2 truồng trại và 100 con dúi sinh sản. Với cách nghĩ, cách làm của tuổi trẻ, tìm tòi, ham học hỏi, không cam chịu đói nghèo, sau gần 4 năm đàn Dúi của gia đình anh ngày càng phát triển. Có thời điểm đàn Dúi của gia đình anh lên tới 600 con, mỗi năm gia đình anh xuất bán 150 đôi, trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, gia đình anh đầu tư chăn nuôi lợn, gà, cá lồng mỗi năm cho thu hoạch từ 30-40 triệu đồng, từ mô hình chăn nuôi của gia đình mỗi năm cho thu nhập trên 340 triệu đồng. Tuy nhiên để mô hình kinh tế của thanh niên ngày một phát triển, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ nguồn vốn vay, mở rộng chuồng trại chăn nuôi.
Ảnh: Mô hình trồng cây ăn quả xen Chè của đoàn viên Nguyễn Văn Chính ở xã Phúc Khoa
Mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, kết hợp với trồng trọt của đoàn viên Nguyễn Văn Chính tại xã Phúc Khoa. Năm 2017, dựa vào nguồn đất đai sẵn có, cùng với sự hỗ trợ của gia đình, anh đầu tư xây 400m2 nhà xưởng, máy móc để đầu tư nhà máy chế biến chè. Anh cho biết, để sản xuất chè đạt chất lượng cần phải có kinh nghiệm và kỹ thuật, do vậy anh đã tìm tòi học hỏi qua phương tiện thông tin đại chúng và đi học hỏi cách sản xuất chè tại Thái Nguyên, Lâm Đồng, Phú Thọ. Do vậy chất lượng chè của xưởng gia đình anh không ngừng được nâng lên. Năm 2022 sản phẩm chè của gia đình anh được công nhân sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Sản xuất chè ngày một phát triển, anh đầu tư trồng 400 cây Bưởi da xanh, 300 cây Xoài và chăn nuôi Trâu, Gà. Mỗi năm từ mô hình phát triển kinh tế của gia đình cho thu nhập từ 140-150 triệu đồng, anh còn tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Đoàn viên thanh niên là những lực lượng trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo, tự tin, giám nghĩ, giám làm, có ý chí khắc phục mọi khó khăn để lập nghiệp. Tuy nhiên nhiều đoàn viên còn hạn chế về kỹ năng, đặc biệt là vốn sản xuất, kinh doanh.
Khởi nghiệp, lập nghiệp, phát huy nội lực sẵn có, làm giàu trên mảnh đất quê hương luôn là khát vọng của phần lớn thanh niên. Theo đó, môi trường khởi nghiệp, lập nghiệp của tuổi trẻ ngày càng đa dạng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thì việc khởi nghiệp, duy trì hoạt động những dự án khởi nghiệp của thanh niên đang gặp không ít khó khăn. Vốn vay ít, nguồn giải quyết việc làm phân bổ hạn chế. Thanh niên có tài sản thế chấp thì thường chọn vay của ngân hàng khác do thủ tục nhanh gọn chứ không chọn nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, nút thắt đối với các bạn trẻ trong quá trình khởi nghiệp là nguồn vốn.
Có thể thấy với khát vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, thanh niên huyện Tân Uyên cũng cần có sự hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt về nguồn vốn, chính sách hỗ trợ, cùng vơi việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Để Thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, tạo công ăn việc làm cho người lao động, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu KT-XH tại địa phương. Đây sẽ là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục rèn luyện bản thân, mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế.