Pắc Ta: Vào vụ Cốm mới
Mỗi độ thu về, khi những thửa ruộng nhuộm sắc vàng của nắng xen kẽ vào đó là những màu xanh của lúa nếp Cò Giàng, đồng bào các dân tộc xã Pắc Ta lại phấn khởi mở Hội mừng cơm mới, nhưng năm nay là một năm đặc biệt cũng là năm đầu tiên xã Pắc Ta tổ chức Mừng Cốm mới, một nét văn hóa mang đậm bản sắc văn hóa, giá trị nhân văn, nhằm quảng bá đặc sản Cốm đến với đông đảo người dân và du khách gần xa tới trải nghiệm và khám phá.
Ảnh: Người dân xã Pắc Ta thu hoạch Lúa nếp để làm Cốm
Pắc Ta, nơi đây được thiên nhiên ban tặng có khí hậu mát mẻ, trong lành. Với diện tích đất nông nghiệp lớn, xã đã quan tâm đầu tư, khai thác các tiềm năng thế mạnh để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã Pắc Ta sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm. Ngay từ đầu nhiệm kỳ xã đã xây dựng Đề án lúa hàng hóa, đến nay xã đã xây dựng thành công vùng lúa hàng hóa và có trên 300ha lúa như: Lúa Cò Giàng, Tẻ Dâu, Khẩu Ký, trong đó xã đã chú trọng vào xây dựng sản phẩm OCOP Lúa Nếp tan Cò Giàng. Nhắc đến sản phẩm nông nghiệp xã Pắc Ta phải kể đến Lúa nếp Cò Giàng, thóc có hạt to tròn, trắng trong, khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo, mùi thơm vô cùng đặc trưng; còn khi chế biến thành Cốm thì lại có hương vị ngọt ngào, thanh mát, dẻo, mùi thơm đặc trưng. Đồng chí Lý Văn Tiên - Phó Chủ tịch UBND xã Pắc Ta cho biết: Để làm ra những mẻ Cốm dẻo, xanh, thơm ngọt, những cô gái Thái áo cóm lưng thon ra đồng từ sớm tinh mơ lựa chọn những bông lúa to tròn, căng mẩy nhưng thân rơm vẫn còn xanh, gặt chúng về khi còn đẫm sương đêm rồi sau đó tuốt bằng tay một cách kỳ công và cẩn thận. Người dân tộc Thái xã Pắc Ta làm Cốm theo cách truyền thống. Lúa được gặt vào sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Lúa làm Cốm phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt gạo chưa chín hết.
Ảnh: Người dân xã Pắc Ta đang rang Cốm
Chị Lò Thị Tịnh ở bản Pắc Ta chia sẻ: Để làm nên một mẻ Cốm ngon, mềm, dẻo không thể thiếu bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái. Người phụ nữ làm Cốm như 1 nghệ nhân từ cách lựa lúa non, túa lúa, đến sàng Cốm phải thật khéo léo, tỉ mỉ. Rang Cốm lại cần có sức khỏe thật dẻo dai, căn lửa phải chuẩn, giã Cốm phải thật khoẻ tay. Cương, nhu, tỉ mỉ, cần cù đều phải có của một nghệ nhân làm Cốm. Lúa gặt về phải chế biến ngay trong ngày. Sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được đem rang trong chảo lớn. Lửa phải được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm. Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.
Để có được những hạt lúa nếp thơm ngon, một phần là nhờ sự ưu ái của thiên nhiên. Khí hậu quanh năm mát mẻ, đất có nhiều mùn và khoáng chất, lại được “Uống” nước suối trong vắt. Tất cả điều đó đã tạo nên hương vị đặc biệt của nếp Pắc Ta mà ít nơi nào có được. Chị Nguyễn Hương Lan - Du khách Hà Nội chia sẻ: Lần đầu tôi được trai nghiệm giã Cốm cùng người dân, cảm thấy rất là tuyệt vời, được trải nghiệm và được thưởng thức Cốm nếp Cò Giàng thấy rất dẻo, thơm, khi ăn quyện trong miệng.
Ảnh: Du khách tham gia giã Cốm cùng với người dân
Cũng như chi Hương, chị Kiều Cẩm Thúy chia sẻ: Vượt hơn 400km đến với xã Pắc Ta, được tham gia trải nghiệm cùng với người dân nơi đây cảm thấy những mệt mỏi được xua tan, người dân thân thiện, hiền lành, đặc biệt món Cốm ở đây rất ngon.
Ảnh: Những mẻ Cốm thơm ngon được người dân đóng gói
Anh Lò Văn Hiện ở bản Pắc Ta, xã Pắc Ta cho biết: Cốm Cò Giàng Pắc Ta thường được ăn cùng với chuối chín trứng cuốc, trái hồng đỏ chín cây hoặc cũng có thể dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè và nêm vào các món như: Nem rán, Tôm rán, thịt chiên… Chính vì hương vị đặc biệt thơm ngon như vậy, trong những năm gần đây Cốm Cò Giàng đã dần trở thành đặc sản của địa phương. Mong muốn trong thời gian không xa, Cốm Cò giàng Pắc Ta sẽ trở thành một thương hiệu uy tín đến tay nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Gia đình anh Lò Văn Hiện ở bản Pắc Ta, xã Pắc Ta là một trong những hộ đình đầu tiên của xã sản xuất Cốm Cò Giàng. Mỗi ngày gia đình anh sản xuất trên một tạ Cốm, gia đình anh sản xuất đến đâu hết đến đó, với giá thành từ 120 nghìn đến 150 nghìn một cân Cốm, với giá thành như hiện nay thì theo các hộ gia đình giá trị cao hơn 3 - 4 lần trồng lúa thông thường.
Cốm Cò Giàng không chỉ là một món ăn ngon mà còn mang trong mình ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Món ăn này thường được sử dụng trong các dịp lễ hội truyền thống và các dịp quan trọng như Tết Trung thu. Cốm biểu trưng cho sự gắn bó giữa con người và thiên nhiên, giữa những nghề truyền thống và sự gắn kết gia đình làng bản. Người dân bản địa tin rằng ăn Cốm vào dịp Trung thu, mừng lúa mới sẽ mang lại sự may mắn và trọn vẹn cho gia đình, khởi đầu đầu bội thu cho mùa vụ mới. Là bản sắc văn hóa, là một biểu tượng, sự tự hào và tình yêu quê hương.
Mừng Cốm mới, đây là nét đẹp của đồng bào người dân nơi đây nhằm phát huy và gìn gữi những bản sắc văn hóa, đồng thời nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu Cốm Cò Giàng không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn đất, hồn người gửi gắm vào trong đó, trở thành một đặc sản nổi tiếng không những của Pắc Ta mà là của huyện Tân Uyên được nhiều người biết đến, từ đó giúp người dân nơi đây xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập.