Ghi nhận tại Lễ hội Xòe chiêng dân tộc Thái bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng
Lễ hội Xòe Chiêng là một trong những Lễ hội quan trọng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung và người Thái ở huyện Tân Uyên nói riêng. Người Thái có câu: “Không vui, không xòe cây lúa không trổ bông, không xòe cây ngô không ra bắp, không xòe trai gái không thành đôi”. Vì vậy, múa xòe đã trở thành một nét văn hóa, phong tục truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Thái nơi đây. Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tinh thần đoàn kết trong nhân dân. Ngày (26/01) tại bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng, phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối với xã Trung Đồng tổ chức Lễ hội Xòe chiêng dân tộc Thái. Dự có đồng chí Bùi Huy Phương - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Phan Văn Nguyên - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; đồng chí Lò Văn Biên - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy, đại biểu lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành đoàn thể huyện, các xã, thị trấn cùng đông đảo Nhân dân trên địa bàn huyện tham gia Lễ hội .
Ảnh; Màn ném còn tại Lễ hội
Phát biểu tại khai mạc Lễ hội Xòe chiêng dân tộc Thái, đồng chí Lò Văn Biên - Ủy viên BTV Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa theo Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu về bảo tồn và phát huy bản sắc truyền thống văn hóa của các dân tộc gắn với phát triển Du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Trung Đồng là nơi hội tụ của hồn thiêng sông núi với các di tích lịch sử văn hóa, mảnh đất và con người nơi đây gắn liền với xây dựng và thành lập huyện Tân Uyên, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.
Lễ hội Xòe chiêng dân tộc Thái được chia làm hai phần đó là phần Lễ và phần hội, đối với phần Lễ diễn ra các hoạt động như: Dâng hương tại điểm linh thiêng của bản và nghi lễ Áp Hua Chiêng (Nghi lễ gội đầu năm mới cho con trai). Phần hội diễn ra với các hoạt động thể thao như: Tổ chức thi đấu các môn thể thao dân tộc và trò chơi dân gian như: Ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, tó má lẹ, kéo co; Thi ẩm thực; Chương trình văn nghệ.
Ảnh: Nghi lễ dâng hương
Tại Lễ hội đã tái hiện lại nghi lễ dâng hương và nghi lễ Áp Hua Chiêng (Nghi lễ gội đầu năm mới cho con trai). Nghi lễ này được thực hiện bởi người có uy tín của bản, thực hiện các nghi thức cúng thần sông thần núi, tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc có công tạo mường, dựng bản. Ông: Lường Văn An, người uy tín của bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng cho biết: Đây là nghi lễ truyền thống, nêu cao đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, nghi lễ còn thể hiện ước nguyện của nhân dân cầu mong xua đi những điều không tốt đẹp trong năm vừa qua, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân trong bản được ấm no, hạnh phúc.
Ảnh: Nghi thức gội đầu năm mới
Ông Hoàng Văn Phúc, bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng cho biết: Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đồng bào Thái ở bản Phiêng Phát 1 nói riêng và đồng bào dân tộc Thái ở xã Trung Đồng nói chung lại tiến hành một nghi lễ không thể thiếu, đó là lễ gội đầu. Lễ gội đầu diễn ra với ý nghĩa xua đi những điều không tốt đẹp trong năm cũ, cầu mong những điều may mắn vào năm mới. Lễ gội đầu của dân tộc Thái bắt nguồn từ xa xưa trong lịch sử rất thiêng liêng, tiếng Thái có tên gọi là “Lúng ta” hay còn gọi là lễ gội đầu. Lễ này chỉ được tiến hành duy nhất một lần trong năm.
Ảnh: Thi kéo co tại Lễ hội
Phần hội diễn ra các hoạt động thể thao như: Ném còn, tó má lẹ, đẩy gậy, kéo co, đã được đổng đao nhân dân trong xã tham gia với tinh thần giao lưu, học hỏi. Các đội tham gia thi đã chuẩn bị chu đáo về trang phục, dụng cụ phục vụ cho thi đấu, các môn thi diễn ra sôi nổi hấp dẫn và quyết liệt. Trong môn kéo co các đội tham gia thi với mỗi đội 8 người 4 nam, 4 nữ tham gia thi đấu trong 3 hiệp với sự cổ vũ nhiệt tình của đông đao khán giả, các phần thi tham gia kéo co đã diễn ra hết sức hấp dẫn; còn với đối với phần thi Tó má lẹ của người Thái dành riêng cho phụ nữ với thể lệ chơi đơn giản, ai cũng có thể tham gia. Môn đẩy gậy thu hút người xem bằng sự kịch tính, chỉ với một chiếc gậy tre dài tầm 2m cũng có thể phân định được ai khỏe, kỹ thuật hơn... Việc tổ chức Lễ hội vào dịp Tết Nguyên đán giúp người dân trên địa bàn xã được tham gia Lễ hội và hòa mình vào các trò chơi dân gian của dân tộc giúp người dân xua đi những mệt mỏi trong một năm lao động sản xuất và tiếp thêm năng lượng cho một năm mới với mùa màng bội thu.
Ảnh: Phần thi Ẩm thực
Đối với phần thi Ẩm thực có 8 đội tham gia, mỗi đội tham gia nấu 01 mâm cơm ẩm thực dân tộc Thái. Với sự chuẩn bị công phu, chu đáo của các đội thi, các mâm cơm dự thi rất đa dạng về món ăn, đậm đà bản sắc, hương vị đặc trưng riêng của đồng bào Thái Tây Bắc. Các món ăn đều sử dụng nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên, thân thiện với môi trường từ thực phẩm chính đến các loại gia vị và được chế biến ngay tại Hội thi tạo nên không khí sôi nổi; các đội tham gia thi đã thể hiện sự khéo léo, chuyên nghiệp khi kết hợp nhiều gia vị, thực phẩm để tạo ra một món ăn mang đậm bản sắc dân tộc Thái. Như món rau sắn nộm hoa đu đủ, cá nướng, bì trâu nộm, xôi 5 màu và còn nhiều món ăn khác đã được các đội bài trí đẹp mắt sáng tạo ra một mâm cơm truyền thống của dân tộc Thái, như đội đến từ bản Phiêng Phát 1, bản Nậm Xôm,... Phần thuyết trình cũng được các đội chú trọng, nêu bật được chủ đề mâm cơm và món ăn chủ đạo, đã giúp Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và thực khách hiểu thêm về các món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Thái.
Ảnh: Một tiết mục múa tại Lễ hội xòe Thái
Chương trình văn nghệ với nhiều tiết mục đặc sắc được các nghệ nhân cũng như các hạt nhân văn nghệ trên địa bàn xã biểu diễn với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, ca ngợi quê hương đất nước, đặc biệt các tiết mục còn thể hiện một nét văn hóa riêng mà chỉ có ở người Thái mới có.
Ảnh: Vòng xòe đoàn kết
Kết thúc Lễ hội là vòng xòe đoàn kết, mọi người cùng nhau tay trong tay đoàn kết múa điệu xòe, hát vang bài hát “Inh lả ơi, sao noọng ơi” cùng với tiếng trống, tiếng chiêng giục giã, cùng những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất cho nhau. Lễ hội Xòe Chiêng là một trong những lễ hội quan trọng của dân tộc Thái vùng Tây Bắc nói chung và người Thái ở bản Phiêng Phát 1, xã Trung Đồng nói riêng, đã trở thành một nét văn hóa, phong tục truyền thống không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng người dân tộc Thái nơi đây./.
Một số hình ảnh tại Lễ hội