Chăn nuôi tập trung giúp người dân xóa đói giảm nghèo
Xác định phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng tập trung là một nhiệm vụ quan trọng, do vậy trong thời gian qua cấp ủy đảng, chính quyền xã Phúc Khoa đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển theo hình thức gia trại, trang trại tập trung. Qua đó, không chỉ giúp người chăn nuôi khai thác được tiềm năng, thế mạnh của địa phương mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng dịch bệnh, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nâng cao thu nhập xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ảnh: Mô hình nuôi Trâu nhà anh Nguyễn Văn Chính tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa
Phát huy tiềm năng, lợi thế, xã đã xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi tập trung, xác định từng loại giống vật nuôi phù hợp. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, hỗ trợ giống, xây dựng chuồng trại, hướng dẫn người dân làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, qua đó góp phần nâng cao thu nhập kinh tế cho hộ gia đình, từng bước giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, trong đó phải kể đến gia đình anh Nguyễn Văn Chính tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa. Trước đây gia đình anh chăn nuôi gia súc thả rông, không chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, do vậy không mang lại hiệu quả từ việc chăn nuôi, anh đã được cán bộ xã xuống tuyên truyền vận động, đến đầu năm 2021 gia đình anh đã đầu tư xây dựng chuồng trại và đầu tư giống, từ việc chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa gia đình anh đã xuất bán được 4 con trâu trừ chi phí mỗi con cho thu lãi vài triệu đồng.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi tập trung của gia đình anh Nguyễn Văn Tám tại bản Phúc Khoa, xã Phúc Khoa
Những năm gần đây, cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Phúc Khoa đã tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; nâng cao năng suất, đến nay tổng đàn gia súc trên địa bàn xã là trên 2600 con, tăng 387 con so với cùng kỳ năm 2021. Chị Nguyễn Thị Mai, cán bộ Địa chính - Nông nghiệp xã Phúc Khoa cho biết: Cùng với việc phát triển chăn nuôi, xã cũng gắn với bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Chăn nuôi phát triển đã tạo thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con; góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của xã, đến nay thu nhập bình quân đầu người 40 triệu đồng/người/năm.
Ảnh: Phúc Khoa hôm nay nhiều ngôi nhà mới khang trang
Trong thời gian tới, xã tiếp tục hướng dẫn Nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong đó, xã tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại; đưa các giống vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất; tận dụng các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bền vững.